Trải nghiệm chuyển tiếp sang Anh Quốc học năm cuối qua góc nhìn của alumni Chu Xuân Nam

04 Th4 2024 /  

Theo học tại Greenwich Việt Nam, sinh viên được học chương trình đại học nguyên bản chuyển giao 100% từ Đại học Greenwich, Vương quốc Anh dài 3 năm. Tuy nhiên, nhiều sinh viên lựa chọn chuyển tiếp sang trụ sở chính Greenwich, London để học năm cuối đại học.

Anh Chu Xuân Nam, cựu sinh viên chuyên ngành Quản trị Kinh doanh Greenwich Việt Nam – cơ sở Hồ Chí Minh, chọn học 2 năm tại Việt Nam và chuyển tiếp sang Anh Quốc vào năm cuối để hoàn thành chương trình học của mình. Trước đó, anh là cựu học sinh trường THPT Marie Curie, Thành phố Hồ Chí Minh. Trong khoảng thời gian theo học tại Greenwich, anh đã có nhiều trải nghiệm đáng nhớ khi được tiếp cận chương trình giáo dục chất lượng cao ở cả 2 quốc gia.

Cùng lắng nghe những chia sẻ của anh Nam về hành trình đáng nhớ này!

Cựu sinh viên Chu Xuân Nam nhận bằng tốt nghiệp tại trụ sở chính của Đại học Greenwich, Anh Quốc (Ảnh: NVCC).

PV: Chào anh Nam, cảm ơn anh đã nhận lời mời phỏng vấn. Mời anh chia sẻ một chút thông tin về công việc hiện tại của mình

Anh Nam: Xin chào tất cả các bạn sinh viên Đại học Greenwich. Mình là Nam, hiện tại mình đang giữ vai trò Trưởng phòng Thương mại Điện tử (Ecommerce Brand Manager) tại Công ty Chế biến Thực phẩm Olam với 5 ngành hàng chính, bao gồm: Cacao, Cà phê, Hạt Ngũ cốc, Gia vị, và Sữa.

Anh Nam cùng đồng nghiệp (Ảnh: NVCC).

PV: Học tại Greenwich Việt Nam có thể nhận bằng của Đại học Greenwich, vậy điều gì khiến anh quyết định chuyển tiếp sang Greenwich,Vương Quốc Anh để học năm cuối? 

Anh Nam: Mình chọn Greenwich Anh Quốc để học năm cuối vì mong muốn bản thân được một lần trải nghiệm môi trường nghiên cứu và học tập chuyên nghiệp thuộc TOP hàng đầu thế giới. Ngoài ra tại thời điểm đó, vào khoảng 2016 những chuyên ngành về Marketing như Digital Marketing, E-commerce, đang nổi lên như là một xu thế tại Việt Nam và trường Đại học Greenwich, Anh Quốc là một điểm đến hứa hẹn với chuyên ngành đào tạo Business with Marketing hiếm hoi tại thời điểm lúc đó được Bộ Giáo dục công nhận và cấp phép đào tạo liên kết.

PV: Được biết anh đã chuyển tiếp từ 10 năm trước, không biết ở thời điểm đó việc chuyển tiếp sang Anh Quốc có gặp nhiều khó khăn không?

Anh Nam: “Where is a will, there is a way”: Nơi nào có ước mơ nơi đó có con đường. Tại thời điểm đó, mình là sinh viên khóa đầu tiên của trường nên việc chuyển đổi cơ sở, đặc biệt là chuyển đổi từ một quốc gia này sang quốc gia khác cũng rất là khó khăn về mặt thủ tục và giấy tờ. Bản thân mình cũng đã rất nỗ lực chăm chỉ luyện IELTS, và các anh chị ở phòng công tác sinh viên cũng đã hỗ trợ mình rất nhiều trong việc chuẩn bị các giấy tờ cần thiết như bảng điểm chi tiết, bằng cấp, giấy giới thiệu.. Về các môn học, mình đã được học khá đầy đủ các môn nền tảng và chuyên ngành như Marketing Principles, Internet Marketing, Marketing Planning, Business Strategy, Sales Planning and Operations… ở Việt Nam, nên đến khi năm cuối tại UK mình chỉ việc chọn đủ 120 tín chỉ của Cấp độ 6 thuộc chuyên ngành Business with Marketing tại UoG thời điểm lúc đó.

Cựu sinh viên Chu Xuân Nam tại UK năm 2015 (Ảnh: NVCC).

PV: Hiện nay việc chuyển tiếp sang Anh Quốc đang được rất nhiều sinh viên quan tâm. Anh có thể chia sẻ một chút về trải nghiệm của mình trong quá trình theo học tại Greenwich, Vương Quốc Anh?

Anh Nam: Quá trình học tại Greenwich, Vương Quốc Anh sự thật rất nhiều kỉ niệm nhưng điều mình ấn tượng nhất có lẽ là khuôn viên trường và hệ thống thư viện thông minh của Greenwich, London. Khác với Việt Nam, 100% tinh thần học tập và phải tự giác, mình nhận được lịch học của từng môn đã đăng ký qua email, sẽ có giảng viên chính của môn đó vào ngày đầu tiên của môn học, giảng viên sẽ giải thích sơ lược về môn học, giới thiệu những cuốn sách hay mà bạn cần phải tham khảo nếu mong muốn vượt qua Assignment và cuối cùng là một số mentor hỗ trợ nếu bạn gặp khó khăn trong môn học hoặc bí ý tưởng trong việc chọn đề tài.

Mọi thứ đều được kiểm soát qua chiếc thẻ thư viện quyền lực. Như đã nói trên, giảng viên đã giới thiệu về sách mà bạn cần đọc. Vì thế, trách nhiệm của bạn là cần phải đến thư viện để mượn nó, sẽ có hệ thống ghi nhận lại về số lần ra/vào thư viện và tên các quyển sách mà bạn đã mượn. Và mãi một thời gian sau đó, mình mới biết được 1 ‘mẹo’ để có thể kiếm điểm Merit (M), và Distinction (D), đó là đừng ngần ngại hỏi thủ thư của thư viện, nói về môn học, kiến thức bạn đang học hay thậm chí là tên giảng viên của môn học đó, họ sẽ biết những quyển sách yêu thích của giảng viên đó và hướng dẫn bạn tìm hiểu thêm những quyển sách khác.

PV: Là một trong những sinh viên khoá đầu tiên của Greenwich Việt Nam và có trải nghiệm học tập tại 2 cơ sở là Việt Nam và Anh Quốc, anh cảm thấy điều này mang lại cho mình những lợi ích gì?

Anh Nam: Mình nghĩ đó là sự thích nghi về việc học tập và cuộc sống tại nước ngoài. Việc học tại cơ sở Việt Nam từ ban đầu sẽ giúp bạn làm quen với môi trường đại học, một cách học mới mà bạn vẫn được an toàn với suy nghĩ có gia đình còn ở cạnh bên xung quanh bạn. Nhưng sau khi chuyển sang một quốc gia khác, bạn sẽ phải tự bước đi trên một hành trình mới, một cuộc sống mới. Nếu lúc này bạn chưa ổn về cách học mới và vẫn loay hoay tìm cách thích nghi được với cuộc sống tại một đất nước xa lạ, thì sẽ thực sự rất khó khăn.

Năm 2016, sau khi tốt nghiệp anh trở lại Việt Nam để sinh sống và làm việc (Ảnh: NVCC).

PV: Trải qua quá trình học và làm việc nhóm với sinh viên đến từ các nền văn hoá khác nhau, anh có kinh nghiệm nào muốn chia sẻ để giúp các bạn có thể hoà nhập và đạt được thành công trong học tập?

Anh Nam: Sẽ có ít nhất 1 – 2 môn mà sẽ trình bày và tính điểm theo nhóm, nếu bạn không chủ động tìm kiếm nhóm sinh viên “tích cực” bạn sẽ có nguy cơ rơi vào các nhóm “lười biếng”. Vào buổi hướng dẫn đầu tiên của môn học, giảng viên sẽ thông báo đây là tiểu luận cá nhân hay bài tập nhóm (khoảng 4 – 6 người). Thông thường, các sinh viên Châu Âu sẽ chọn nhau vì sự tiện lợi trong giao tiếp, và là nhóm thường điểm cao; và các sinh viên Châu Á còn lại sẽ tự động ghép cặp với nhau. Đa phần nhóm sinh viên Châu Á sẽ là Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Philippines, cá nhân mình thấy, nhóm Châu Á thường điểm sẽ tệ hơn vì không chung cách làm việc và có một số thành viên cực kì lười biếng và vô trách nhiệm. Trong khi đó, nhóm Châu Âu họ cũng sẽ phân chia từng đoạn cho mỗi người, nhưng họ sẽ chia sẻ phần trình bày cá nhân của họ để thành viên khác góp ý và làm việc chuyển ý mượt mà hơn. Cuối cùng, họ sẽ cùng đọc lại, ghi nhận sự đóng góp của mỗi thành viên để thống nhất bài tiểu luận cuối cùng để đảm bảo rằng tất cả thành viên đều đã đọc và hiểu qua toàn bài tập.

Làm quen với bạn bè từ các nền văn hoá khác nhau (Ảnh: NVCC).

Mình đã từng thấy và học tập được một kinh nghiệm quý giá từ một bạn sinh viên Đài Loan, bạn đã chủ động xin giảng viên được tự giới thiệu bản thân mình trước lớp. Bạn ấy đã giới thiệu bản thân, điểm mạnh và mục tiêu kết quả mong muốn. Cuối cùng, bạn sẽ nhấn mạnh bạn mong có cơ hội được làm việc cùng với nhóm có thành viên từ nhiều quốc gia khác nhau để có nhiều góc nhìn. Khi ấy, bạn sẽ có cơ hội tìm các thành viên phù hợp hoặc được một nhóm ưu tú nào đó mời bạn vào nhóm để làm việc cùng.

Một góc nhỏ tại Đại học Greenwich – nơi anh Nam đã có hơn 1 năm sinh sống và học tập 

Cảm ơn anh đã dành thời gian tham gia phỏng vấn. Chúc anh luôn thành công trong công việc và cuộc sống!

Sinh viên theo học tại Greenwich Việt Nam 4 cơ sở có thể chuyển tiếp đến các cơ sở trong nước không gián đoạn việc học hoặc lựa chọn chuyển tiếp sang trụ sở chính Greenwich, London sau khi hoàn thành ít nhất 1 năm học tại Việt Nam. 

Xem chi tiết về việc chuyển tiếp sang Anh Quốc xem tại đây: Link