Hiện nay, ngành lập trình viên công nghệ thông tin mở ra “cánh cửa” với vô vàn cơ hội phát triển sự nghiệp cùng mức lương hấp dẫn. Không chỉ giới hạn trong một ngành học cụ thể, người học có thể trở thành 1 lập trình viên xuất sắc, ưu tú trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Dưới đây, hãy cùng tìm hiểu tất tần tật về lập trình viên công nghệ thông tin cũng như những ngành học giúp bạn có thể trở thành lập trình viên.
I. Lập trình viên công nghệ thông tin là gì?
Lập trình viên công nghệ thông tin hay còn gọi là lập trình viên (developer), là những kỹ thuật viên lập trình. Công việc của nghề này chính là sử dụng những ngôn ngữ lập trình để code và phát triển các phần mềm, ứng dụng trên máy tính, điện thoại như ứng dụng game, website, hệ điều hành… Lập trình viên công nghệ thông tin còn có khả năng sửa chữa, bảo trì hệ thống máy tính và các phần mềm bên trong máy tính.
Những công việc chính mà một lập trình viên có thể đảm nhiệm gồm:
- Nghiên cứu, xây dựng và phát triển những ứng dụng phần mềm mới
- Phát triển, bổ sung các tiện ứng, sữa lỗi phần mềm nhằm tăng trải nghiệm cho người dùng.
- Nghiên cứu cũng như đưa ra những ý tưởng cải biến lập trình mới
II. Tại sao nhiều người chọn học CNTT?
Ngành CNTT nói chung và lĩnh vực lập trình viên nói riêng đang là ngành “khát” nhân lực nhất tại Việt Nam. Theo thống kê của TopDev, nhu cầu nhân lực ngành CNTT đang có xu hướng gia tăng bởi ngày càng nhiều bạn trẻ lựa chọn ngành này nhờ cơ hội việc làm hấp dẫn và mức lương cạnh tranh.
1. Cơ hội việc làm rộng mở
Hiện nay ngành CNTT là 1 trong những ngành có cơ hội việc làm rộng mở nhất và điều này đã thu hút lượng lớn thí sinh theo đuổi ngành này. Sự phát triển chóng mặt của công nghệ số đã tạo ra một nhu cầu khổng lồ về nhân lực CNTT. Các doanh nghiệp, tổ chức từ lớn đến nhỏ đều cần đến bộ phận IT có kiến thức về lập trình nhằm phát triển phần mềm, quản trị mạng để bắt kịp với sự phát triển hiện nay của internet.
2. Mức lương hấp dẫn
Với nhu cầu nguồn nhân lực lớn, ngành CNTT cũng có mức lương và phúc lợi hấp dẫn. Theo nhiều số liệu thống kê, các kỹ sư CNTT thường có mức thu nhập cao hơn so với nhiều ngành nghề khác. Đồng thời, các nhân tài trong ngành này còn có cơ hội thăng tiến nhanh và nắm giữ nhiều vị trí quan trọng của doanh nghiệp.
Theo thống kế của báo cáo thị trường tuyển dụng 2023 & Nhu cầu tuyển dụng 2024 cho thấy mức lương của các lập trình viên dao động từ 9 – 50 triệu đồng, tùy vào ngôn ngữ lập trình, kinh nghiệm làm việc, kỹ năng…
3. Ngành nghề của tương lai
Công nghệ là xu hướng tất yếu trong thời đại kỷ nguyên số và trở thành 1 phần không thể thiếu trong cuộc sống. CNTT không chỉ giới hạn ở một lĩnh vực chuyên biệt mà đã không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng, đóng vai trò quan trọng của nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, kinh tế, giao thông, tài chính, y tế, giải trí.. Điều này giúp các bạn sinh viên sau khi ra trường có nhiều lựa chọn và cơ hội phát triển hơn.
4. Luôn luôn được sáng tạo và phát triển
Công nghệ luôn thay đổi, vì vậy khi làm việc trong ngành này, bạn sẽ luôn được tiếp cận với những kiến thức mới, từ đó có nhiều cơ hội để sáng tạo, tạo nên những ý tưởng lớn nhằm phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới, đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp. Ngoài ra, việc học hỏi, sáng tạo trong công việc còn là 1 “đòn bẩy” giúp bạn có cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp.
5. Môi trường làm việc sáng tạo và linh động
Các kỹ sư CNTT luôn được làm việc với những công nghệ hiện đại nhất, điều này cũng giúp họ không ngừng học hỏi và phát triển bản thân. Đa số các công ty công nghệ đều tạo điều kiện để bạn có sự sáng tạo, đổi mới nhằm phát triển công ty.
Ngoài ra, không chỉ làm việc tại văn phòng, hiện nay nhiều công ty CNTT cho phép các lập trình viên có thể làm việc từ xa linh hoạt, không cần lên công ty, giúp bạn có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Hơn nữa, nhiều công ty công nghệ còn có giờ làm việc linh hoạt, bạn có thể tự sắp xếp thời gian làm việc của mình một cách hợp lý, miễn là hoàn thành công việc được giao.
Theo học Ngành Công nghệ thông tin không chỉ giúp bạn có cơ hội làm việc với công việc mình yêu thích mà còn sở hữu mức lương hấp dẫn, môi trường làm việc sáng tạo, năng động. Tuy nhiên, để thành công trong lĩnh vực công nghệ, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, các bạn sinh viên cần không ngừng học hỏi và cập nhật kiến thức mới, đồng thời rèn luyện các kỹ năng mềm cần thiết để đáp ứng được của thị trường lao động.
III. Nên chọn ngành học nào để trở thành lập trình viên?
Nên chọn ngành học nào để trở thành lập trình viên? Dưới đây là một số ngành học phổ biến và phù hợp để bạn theo đuổi ước mơ trở thành lập trình viên công nghệ thông tin:
1. Kỹ thuật phần mềm
Chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm là lựa chọn thích hợp cho những bạn yêu thích lập trình thuần túy. Chương trình đào tạo của ngành sẽ trang bị cho sinh viên những kiến thức chuyên sâu về quy trình phát triển phần mềm, từ phân tích yêu cầu, thiết kế, lập trình đến kiểm thử và triển khai, nhằm tạo ra các sản phẩm phần mềm chất lượng cao, hiệu quả.
Sinh viên theo đuổi ngành Kỹ thuật phần mềm sẽ được trang bị các kiến thức chuyên sâu về công nghiệp phần mềm, bao gồm: quy trình phát triển phần mềm, kỹ năng vận dụng các công cụ phần mềm vào việc hỗ trợ phát triển các phần mềm khác và các kiến thức liên quan đến thực hiện các dự án phần mềm từ thu thập, phân tích, thiết kế, lập trình, kiểm thử, vận hành và bảo trì phần mềm.
2. Khoa học máy tính
Ngành Khoa học máy tính là ngành mũi nhọn của khối ngành khoa học – kỹ thuật đang ngày càng được đông đảo thí sinh lựa chọn đăng ký xét tuyển trong những năm gần đây. Theo thống kê trong 10 năm trở lại đây tại Việt Nam, nhu cầu nhân lực về ngành Khoa học máy tính, công nghệ thông tin tăng gấp 4 lần và hơn 98% kỹ sư ngành có việc làm sau một năm tốt nghiệp. Đặc biệt với những chuyên gia giàu kinh nghiệm và giỏi sở hữu mức lương lên tới 162.000 USD (khoảng 3.7 tỷ đồng) mỗi năm, tương đương 13.500 USD (khoảng 312 triệu đồng)/ tháng.
Mục tiêu đào tạo của ngành này là cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo bài bản về Trí tuệ nhân tạo (AI). Sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành có thể đảm nhận nhiều vị trí khác nhau như chuyên gia phân tích, thiết kế, xây dựng giải pháp kỹ thuật, giải pháp công nghệ, lập trình viên, chuyên gia nghiên cứu & phát triển của các công ty và tập đoàn công nghệ.
3. Kỹ thuật máy tính
Ngành Kỹ thuật máy tính được đánh giá là ngành học quan trọng trong lĩnh vực CNTT cung cấp cho sinh viên tất tần tật về kiến thức chuyên môn phần cứng, phần mềm và các kỹ thuật thiết kế. Sau khi tốt nghiệp ngành này, sinh viên sẽ trở thành những chuyên gia mạng về máy tính, an ninh mạng, bảo mật hệ thống cũng như chuyên gia thiết kế, lập trình các phần mềm, ứng dụng, hệ thống thống IoT…
Đặc biệt, khi người học tốt nghiệp ngành Kỹ thuật máy tính có thể đảm nhiệm vị trí khác nhau từ lập trình viên, kỹ sư kỹ thuật; thiết kế, quản lý nhóm, dự án, chuyên viên phân tích, tư vấn và kinh doanh… với mức lương có thể dao động từ 15 – 30 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào kỹ năng, kinh nghiệm làm việc.
Một số trường đại học chất lượng mà bạn có thể theo học ngành Kỹ thuật máy tính như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghệ (ĐHQGHN), Đại học Công nghệ Thông tin (ĐHQG TP HCM), Đại học Bách khoa TP HCM (ĐHQG TP HCM)…
4. Hệ thống thông tin
Ngành Hệ thống thông tin là ngành học chuyên đào tạo phát triển, triển khai và quản lý các hệ thống thông tin nhằm hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của các tổ chức bao gồm các phần mềm, cấu hình phần cứng, cơ sở dữ liệu, mạng và các thiết bị khác. Khi theo học ngành này, bạn sẽ được học những môn học chuyên ngành như Giải tích, Lập trình, Đại số tuyến tính, Cơ sở dữ liệu, Tổ chức và cấu trúc máy tính, Xây dựng HTTT trên các framework, phân tích thiết kế hệ thống thông tin, hệ quản trị cơ sở dữ liệu, lập trình Java, phát triển ứng dụng website, ứng dụng trên thiết bị di động…
Theo báo cáo từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ngành Hệ thống thông tin hiện đang là 1 trong những ngành nổi bật, trước nhu cầu ngành càng cao của doanh nghiệp. Vì vậy, sau khi ra trường, bạn có thể đảm nhận nhiều vị trí như Lập trình viên, Kỹ sư quản lý hệ thống, Chuyên viên phát triển ứng dụng cho hệ thống thông tin… với mức lương dao động từ 8 – 20 triệu/tháng. Đối với nhân sự kinh nghiệm từ 3 – 5 năm, mức lương có thể lên đến 25 – 35 triệu/tháng.
5. Mạng máy tính và truyền thông
Ngành Mạng máy tính & Truyền thông dữ liệu là ngành tập trung nghiên cứu những nguyên lý của mạng, cách thiết kế, xây dựng một hệ thống mạng từ mạng nội bộ cho đến mạng diện rộng có kết nối toàn cầu. Khi theo học ngành này, bạn sẽ được tiếp cận các môn học liên quan đến lập trình phần mềm, ứng dụng; thư tín điện tử, truyền tải tập tin, thông tin, điện toán đám mây, tính toán lưới, tính toán di động, xây dựng và vận hành data center, an toàn và bảo mật thông tin…
Theo học ngành Mạng máy tính và Truyền thông sẽ giúp người học sau khi ra trường có đầy đủ năng lực để có thể đảm nhiệm được nhiều vị trí việc làm liên quan đến lĩnh vực Điện toán đám mây, Internet của vạn vật, lập trình viên, Quản trị mạng và an toàn thông tin, Phát triển ứng dụng/dịch vụ Web, Công nghệ không dây…
IV. Chương trình học của lập trình viên của công nghệ thông tin gồm những gì?
Chương trình học của lập trình viên công nghệ thông tin rất đa dạng và sẽ có sự thay đổi theo sự phát triển của ngành. Tuy nhiên, chương trình học của ngành CNTT sẽ gồm các nền tảng cơ bản và chuyên sâu như sau:
- Toán học bao gồm các môn Đại số, giải tích, xác suất thống kê,…giúp sinh viên ứng dụng trong lập trình và xử lý, phân tích dữ liệu.
- Tin học cơ bản gồm hệ điều hành, lập trình cơ bản, cấu trúc máy tính mang tới cái nhìn tổng quan về ngành công nghệ thông tin cho sinh viên.
- Ngôn ngữ lập trình: C++, C++, JavaScript, Python… từ đó giúp sinh viên hiểu và nắm vững cách đọc các ngôn ngữ này để có thể sử dụng viết mã.
- Ngoại ngữ: Tiếng Anh là ngoại ngữ bắt buộc bởi lập trình bắt nguồn từ các nước phương Tây nên tất cả đều được viết mã nguồn bằng ngôn ngữ này. Nếu bạn muốn giỏi và trở thành 1 chuyên gia trong ngành thì thành thạo tiếng Anh chính là bệ phóng giúp bạn thực hiện điều này.
- Hệ thống cơ sở dữ liệu: Thiết kế, quản lý, truy vấn các dữ liệu bằng các hệ quản trị cơ sở dữ liệu như MySQL, PostgreSQL, MongoDB.
- Phát triển web bằng HTML, CSS, JavaScript và các framework như React, Angular, Vue.js và phát triển các ứng dụng động cho các hệ điều hành di động như Android (Java, Kotlin) và iOS (Swift).
Ngoài nắm vững kiến thức liên quan đến ngành, bạn cần trang bị thêm cho mình kỹ năng mềm như:
- Kỹ năng giao tiếp: Giúp xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp, cấp trên và khách hàng, từ đó nâng cao hiệu quả làm việc.
- Kỹ năng tư duy phản biện: Giúp bạn phân tích vấn đề một cách logic, đưa ra giải pháp sáng tạo và bảo vệ quan điểm của mình một cách thuyết phục.
- Kỹ năng học tập chủ động: Giúp bạn chủ động tìm tòi kiến thức mới, quản lý thời gian hiệu quả và đạt được kết quả học tập tốt nhất.
V. Những “tố chất” cần có của một lập trình viên công nghệ thông tin?
Hằng năm có hàng chục nghìn sinh viên ngành CNTT tốt nghiệp và điều này dẫn đến sự cạnh tranh rất lớn. Vậy, làm thế nào để người học hội tụ đủ kỹ năng, kinh nghiệm để được các nhà tuyển dụng, doanh nghiệp đánh giá cao và trở thành 1 chuyên gia giỏi trong lĩnh vực này.
Sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành CNTT bắt buộc phải nắm vững kiến thức ngành nhằm phục vụ tốt cho công việc của mình. Những lý thuyết chuyên môn về mặt kỹ thuật từ lập trình, mã hóa máy tính, ngôn ngữ lập trình (C, Java, Python, C++, C#, JavaScript, PHP), cấu trúc dữ liệu & thuật toán, kiểm soát nguồn, công cụ lập trình như phần mềm chỉnh sửa mã nguồn (Notepad ++, Sublime Text, TextMate), phần mềm biên dịch (MinGW, Borland C ++), phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu (Microsoft SQL Server, MySQL, Oracle, Pick)…
Nghề lập trình viên không chỉ đòi hỏi kiến thức chuyên môn mà còn cần có những kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, thuyết phục khách hàng để hoàn thành tốt công việc phụ trách. Năng lực, kỹ năng giải quyết vấn đề 1 cách logic, nhanh chóng cũng đóng vai trò trong việc phát triển sự nghiệp của bạn và được cấp trên đánh giá cao.
Ngoài ra, bạn còn phải có tính kiên nhẫn bởi ngành CNTT khá rộng mở, trong công việc đôi lúc sẽ gặp nhiều khó khăn, thử thách và điều này đòi hỏi bạn phải mất nhiều thời gian hoàn thành, kiên nhẫn tìm ra nguyên nhân và giải quyết vấn đề. Để thành công trong môi trường làm việc, bạn phải có khả năng thích ứng nhanh, khả năng làm việc theo nhóm, quản lý hiệu quả… Những kỹ năng mềm này chính là 1 điều kiện để giúp bạn thành công trong mọi lĩnh vực, không riêng gì ngành CNTT.
Trên đây là tất tần tật thông tin về lập trình viên công nghệ thông tin. Hiện nay, với nhu cầu nguồn nhân lực giỏi ngày càng lớn, nhân sự ngành ngày càng có nhiều cơ hội làm việc và phát triển sự nghiệp rộng mở. Nếu bạn yêu thích công nghệ, thích làm bạn những con số và có tư duy logic, hãy theo đuổi con đường trở thành một lập trình viên nhé.