Kinh nghiệm vừa đi học vừa đi làm của sinh viên Greenwich

Việc cân bằng giữa học và làm luôn là vấn đề nóng hổi được nhiều sinh viên quan tâm. Làm thế nào để vẫn đảm bảo việc học tại trường mà lại có thêm kinh nghiệm chuyên môn và thu nhập từ việc làm thêm? 

Làm thêm là một trong những cách để sinh viên cọ xát với thực tiễn công việc, học hỏi kinh nghiệm chuyên môn và chủ động tạo thêm nguồn thu nhập. Tuy nhiên, sinh viên cần học cách cân bằng giữa học và làm, tránh dành thời gian làm việc quá nhiều mà sao nhãng học tập, khiến sức khỏe, chất lượng học tập sa sút. Bàn luận về việc này, một số sinh viên Greenwich Việt Nam đã có những chia sẻ liên quan đến kinh nghiệm cá nhân của mình.

Có thêm thu nhập, nâng cấp kỹ năng công việc và trải nghiệm sống

Sinh viên làm thêm sẽ có các khoản thu nhập hàng tháng để trang trải cuộc sống, hỗ trợ tài chính cho bản thân và gia đình. Khi đi làm thêm, bạn phải tự rèn luyện kỹ năng làm nhiều việc cùng một lúc. Vừa đi học, vừa làm có thể giúp sinh viên thông minh, năng động và chăm chỉ hơn.

Bạn Phan Hùng Cường, sinh viên khóa 10 đang theo học ngành Công nghệ thông tin tại Greenwich Việt Nam chia sẻ: 

“Tôi từng đi du học và cũng có một chút kiến ​​thức về Công nghệ thông tin nên mình quyết định học việc và làm thêm ngay từ khi bắt đầu học chuyên ngành tại Greenwich. Đi làm thêm giúp mình có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng code cũng tiến bộ hơn rất nhiều. Ngoài ra, công việc làm thêm cũng mang lại cho mình một tài khoản thu nhập đủ để trải nghiệm những điều mình mong muốn.”

Hiện Cường đang là Cán bộ Lập trình tại FPT Information System – một công việc đúng với chuyên môn và ngành học bạn theo đuổi. Cậu bạn cho biết khi mới làm việc, do chưa có nhiều kinh nghiệm và kiến thức dày dạn nên không ít lần “ngập trong đầm lầy” deadline. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, Cường may mắn nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các anh chị đồng nghiệp:

“Khi mới đi làm, mình rất hay được giao những công việc chưa từng có người làm trước đó. Mình đã mất khá nhiều thời gian để tìm hiểu từ đầu, nhưng đổi lại anh leader và các anh chị khác luôn sẵn lòng hỗ trợ mình những lúc mình cần. Mình nhớ nhất một câu của anh leader, đó là: “Ai cũng có giai đoạn lụt trong đầm lầy, vượt qua đầm lầy này sẽ đến đầm lầy khác”. Mọi người sẽ chỉ có thể giúp mình vượt qua chứ không ai nhảy xuống cứu mình được. Nếu mình không tự tìm cách thì mãi mãi ở trong cái đầm lầy ấy.” – Cường vui vẻ kể lại.

Phan Hùng Cường – sinh viên khóa 10 ngành Công nghệ thông tin tại Greenwich Việt Nam.

Ngoài ra, làm thêm còn giúp sinh viên sau khi ra trường có thêm các mối quan hệ, rèn luyện được kỹ năng quản lý thời gian cá nhân. Bạn Trần Mỹ Ngọc, sinh viên khóa 11 chuyên ngành Quản trị Truyền thông tại Greenwich Việt Nam cho rằng việc đi làm thêm từ sớm sẽ giúp bạn trau dồi thêm nhiều kỹ năng mềm, học hỏi nhiều thứ mới mẻ:

“Mình muốn có thêm nhiều kỹ năng mềm và học hỏi được nhiều thứ mới mẻ, vì vậy mình chọn đi làm thêm để có va chạm thực tế. Ngoài những kiến thức được học trên trường thì việc làm thêm cũng mang lại cho mình nhiều giá trị. Nó giúp mình tự tin và cởi mở hơn với tất cả mọi người, nó tạo ra môi trường giúp mình rèn luyện tính kỷ luật và có trách nhiệm hơn với tất cả các công việc được giao. Cũng chính nhờ việc đi làm thêm mà mình học được cách quản lý thời gian, tự tạo kế hoạch mỗi ngày để sắp xếp các đầu việc sao cho hợp lý. 

Hiện nay Ngọc đang làm cộng tác viên tư vấn du học cho một trung tâm ngoại ngữ, bạn chia sẻ rằng công việc hiện nay có khá nhiều điểm tương đồng với ngành học của bạn tại trường, giúp bạn trau dồi thêm nhiều kỹ năng chuyên môn và trải nghiệm sống hữu ích.

Trần Mỹ Ngọc – sinh viên khóa 11 chuyên ngành Quản trị Truyền thông tại Greenwich Việt Nam.

Khám phá năng lực và giới hạn của bản thân

Bạn Nguyễn Hữu Phục Lâm, sinh viên ngành Công nghệ thông tin khóa 9, hiện đang là thực tập sinh vị trí Kỹ sư kiểm thử phần mềm tại NAB Innovation Center chia sẻ việc mình đến với công việc hiện tại là vì một chữ “duyên”. Sau khoảng thời gian gắn bó, bạn đã khám phá ra nhất nhiều thứ mà nếu không đi làm thêm, có lẽ bạn đã không phát hiện ra. Đó chính là tầm quan trọng của việc nhanh chóng nắm bắt cơ hội và nỗ lực vượt qua giới hạn của bản thân. Lâm cho biết:

“Nói về công việc làm thêm hiện tại của mình, có lẽ nên dùng từ “ý trời”. Một ngày đẹp trời, chị mentor đề xuất với mình việc đi tham quan và học tập tại tại NAB (Ngân hàng quốc gia Úc). Lúc đó, mình cũng khá hào hứng vì nghĩ chuyến đi sẽ rất vui, chứ không kỳ vọng nhiều vì ngân hàng không quá liên quan tới ngành học của mình. Tuy nhiên, trong chuyến đi, mình phát hiện điểm đến là một trung tâm công nghệ của NAB tại Việt Nam, và trùng hợp họ đang tuyển thực tập sinh. Nắm bắt cơ hội, mình đã nộp đơn xin thực tập vào ngày cuối cùng của kỳ tuyển, trở thành ứng viên cuối cùng được phỏng vấn và cũng là thực tập sinh cuối cùng được nhận tại NAB.”

Nguyễn Hữu Phục Lâm – sinh viên ngành Công nghệ thông tin khóa 9.

Trong quá trình làm việc, Lâm cũng vướng phải một số khó khăn về việc cân bằng giữa việc học và làm, tuy nhiên, cậu bạn đã nhanh chóng học được cách quản lý thời gian để có thể ổn định cả hai:

“Khi bước vào giai đoạn đồ án, mình gần như không còn thời gian rảnh và gặp rất nhiều khó khăn trong việc cân bằng giữa học tập và công việc toàn thời gian. Gần như ngày nào mình cũng phải thức tới 2 – 3 giờ sáng để làm đồ án. Tuy nhiên, rất may mắn là mình có những anh chị đồng nghiệp rất dễ thương và cảm thông, luôn sẵn lòng hỗ trợ mình. Vậy nên khi đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng rồi, đối với mình thì quang thời gian chạy deadline vừa học vừa làm đó trở thành một kỷ niệm rất đáng nhớ thời sinh viên”. – Lâm kể.

Vừa học vừa làm là thử thách nhưng đáng để thử sức

Việc vừa đi học vừa đi làm là thử thách không nhỏ đối với nhiều sinh viên. Sẽ thật khó nếu bạn không thể quản lý tốt thời gian của mình, mất cân bằng giữa học và làm gây nên sự sa sút về sức khỏe và học tập. Tuy nhiên, vừa học vừa làm cũng rất đáng để trải nghiệm vì nó đem lại nhiều lợi ích liên quan đến thu nhập, kỹ năng và kinh nghiệm sống cho sinh viên.

Lê Thành Ngoan, sinh viên khóa 9 ngành Thiết kế đồ họa & Kỹ thuật số tại Greenwich Việt Nam cho biết bạn đã có khoảng thời gian từng khá áp lực khi đi làm thêm, tuy nhiên với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, Ngoan đã nhanh chóng thích nghi được với công việc:

“Khi mới đi làm mình rất sợ và lo lắng khi không biết bản thân có thể làm tốt được những công việc mà công ty đưa ra hay không. Tuy nhiên, sau 3 tháng làm việc, mình cảm thấy tự tin hơn và thấy thích thú với công việc hiện tại vì nó phù hợp với những kiến thức mình đã được học tại trường. Hiện tại mình đang đảm nhận công việc của một Designer, công việc cụ thể của mình là thiết kế website, app, logo cho các thương hiệu,…. Trong quá trình làm việc, mình đã được học thêm nhiều công cụ mới bổ sung cho kiến thức và kỹ năng chuyên môn. Các kiến thức và quy tắc cần thiết về việc thiết kế UX – UI học được trong quá trình đi làm đã giúp mình cải thiện tư duy thiết kế của bản thân rất nhiều”. – Ngoan chia sẻ.

Hiện tại, Ngoan là Designer của UTA Solution – một Cơ quan Công nghệ quốc tế cung cấp cho các doanh nghiệp các sản phẩm và dịch vụ tiếp thị kỹ thuật số và công nghệ tiên tiến. Công việc thực tiễn rất sát với ngành học của cậu bạn nên đã giúp Ngoan cải thiện rất nhiều về kiến thức, kỹ năng làm việc.

Lê Thành Ngoan – sinh viên khóa 9 ngành Thiết kế đồ họa & Kỹ thuật số tại Greenwich Việt Nam.

Vừa học vừa làm là một trải nghiệm rất đáng để thử sức khi còn là sinh viên. Tuy nhiên, trước khi lựa chọn một công việc làm thêm, sinh viên cần cân nhắc kỹ lưỡng về hoàn cảnh thực tế của bản thân, học cách cân bằng và quản lý thời gian phù hợp, tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe và học tập. Đối với sinh viên, việc học vẫn nên được ưu tiên hàng đầu, làm thêm chỉ nên là hoạt động trong khoảng thời gian rảnh rỗi, giúp các bạn hoàn thiện bản thân về kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm sống.

#

Lịch sự kiện

04Th10

[HCM] COMPANYVISIT FSOFT TOUR

8:00 sáng - 12:00 chiềuHo Chi Minh campus
04Th10

[HCM] Company Visit: 1990 Agency 

8:00 sáng - 5:00 chiềuHo Chi Minh campus
01Th10

[HCM] Timeline event tháng 10/2024

8:00 sáng - 5:00 chiềuHo Chi Minh campus