Kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐHQGHN không chỉ thu hút sự chú ý của các em học sinh mà còn cả phụ huynh và giáo viên cả nước. Đây là hình thức thi phổ biến trong những năm gần đây, giúp các em học sinh có thêm cơ hội bước chân vào ngôi trường đại học mà mình mong muốn. Bài viết dưới đây của Greenwich Việt Nam sẽ hướng dẫn cách làm đề tham khảo thi Đánh giá năng lực ĐHQG năm 2025
Thi đánh giá năng lực là gì?
Kỳ thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) là một kỳ thi do các trường đại học tổ chức nhằm đánh giá và xác định năng lực của thí sinh trên nhiều phương diện khác nhau. Đây là một phần quan trọng trong quá trình xét tuyển của một số trường đại học, bên cạnh việc xem xét kết quả học tập và các yếu tố khác.
Với ĐHQGHN bài thi Đánh giá năng lực (HAS) nội dung thường bao quát kiến thức và kỹ năng tư duy từ nhiều lĩnh vực như toán học, khoa học tự nhiên, ngôn ngữ, logic, và suy luận, nhằm đánh giá khả năng toàn diện của thí sinh.
Đề thi tham khảo Đánh giá năng lực 2025
Bài thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (HSA) vẫn giữ nguyên cấu trúc gồm 3 phần, nhưng có một phần cho phép thí sinh chọn 3 trong 5 môn học. Bài thi HSA năm 2025 sẽ được điều chỉnh để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.
Thí sinh có thể tham khảo đề thi : Tại đây
Cấu trúc đề thi bao gồm ba phần: Toán học và Xử lý số liệu, Ngôn ngữ – Văn học, và Khoa học. Mặc dù cấu trúc này tương tự như hiện tại, phần Khoa học sẽ cung cấp nhiều lựa chọn hơn cho thí sinh, và cách đặt câu hỏi cũng sẽ có những thay đổi.
Phần | Số câu hỏi | Thời gian | Nội dung |
Toán học và Xử lý số liệu (bắt buộc) | 50 câu hỏi | 75 phút | Lĩnh vực đại số và một số yếu tố giải tích, hình học và đo lường, thống kê và xác suất |
Ngôn ngữ – Văn học (bắt buộc) | 50 câu hỏi | 60 phút | Các câu hỏi sử dụng ngữ liệu liên quan đến nhiều lĩnh vực trong đời sống như văn học, ngôn ngữ (từ vựng, ngữ pháp, hoạt động giao tiếp, sự phát triển của ngôn ngữ và các biến thể ngôn ngữ, hành văn), văn hóa, xã hội, lịch sử, địa lý, nghệ thuật,… |
Tự chọn Khoa học | 50 câu hỏi | 60 phút | Thí sinh được chọn 3 trong 5 lĩnh vực ở phần này, gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý |
Nội dung kiến thức phần tự chọn thuộc các lĩnh vực như sau:
- Vật lý: Đề thi bao gồm các nội dung như Động học, Động lực học, Công, Năng lượng và công suất, Động lượng, Chuyển động tròn, Biến dạng của vật rắn, Dao động, Sóng, Điện, Từ, Vật lý nhiệt, Hạt nhân và phóng xạ, cùng với các thí nghiệm và thực hành liên quan.
- Hoá học: Nội dung thi bao quát Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học, Liên kết hóa học, Năng lượng hóa học, Động hóa học, Điện hóa học, Hóa học vô cơ và các nguyên tố, Đại cương về kim loại, Phức chất hóa học, các dãy hydrocarbon, Dẫn xuất halogen, alcohol và phenol, các hợp chất carbonyl, Chất béo (ester và lipid), Carbohydrate, Hợp chất chứa dị tố như nitơ và lưu huỳnh, Hợp chất polymer, và các thí nghiệm, thực hành liên quan.
- Sinh học: Đề thi sẽ tập trung vào các cấp độ tổ chức của thế giới sống, Sinh học tế bào, Vi sinh vật và virus, Sinh học cơ thể, Di truyền học, Tiến hóa, Sinh thái học và môi trường, Sinh học phân tử, Kiểm soát sinh học, và các thí nghiệm, thực hành.
- Lịch sử: Nội dung bao gồm Lịch sử thế giới cận đại và hiện đại, Lịch sử Đông Nam Á, Lịch sử Việt Nam cận – hiện đại, Lịch sử Việt Nam qua một số chuyên đề danh nhân lịch sử, và quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.
- Địa lý: Đề thi sẽ bao gồm Địa lý đại cương, Địa lý kinh tế – xã hội thế giới, Địa lý Việt Nam với các nội dung về tự nhiên, dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, các ngành và vùng kinh tế. Ngoài ra, đề thi còn bao gồm một số chuyên đề về thiên tai và các biện pháp phòng, chống, cũng như phát triển làng nghề.
Ngoài ra, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ phát triển một phần thi Ngoại ngữ tùy chọn để thay thế cho phần Khoa học, nhằm đánh giá năng lực ngoại ngữ chuyên biệt của thí sinh. Phần thi này sẽ được công bố chi tiết sau.
Mỗi chủ đề thi cũng sẽ bao gồm các câu hỏi chùm, được đặt trong một ngữ cảnh có kèm theo dữ liệu. Trong đó, sẽ có từ 1 đến 3 câu hỏi nhằm đánh giá năng lực của thí sinh, bao gồm khả năng nhận định, phân tích và đưa ra phương án giải quyết vấn đề.
Hướng dẫn làm đề thi ĐGNL 2025
Bài thi Đánh giá năng lực (HSA) được thực hiện trên máy tính, và thí sinh sẽ làm bài lần lượt từ phần 1 đến phần 3. Mỗi phần thi bao gồm 50 câu hỏi chính thức chấm điểm, tuy nhiên có thể kèm theo 1-2 câu hỏi thử nghiệm không tính điểm. Các câu hỏi thử nghiệm này được trộn ngẫu nhiên vào các phần thi, và thí sinh sẽ không biết trước câu hỏi nào là câu hỏi thử nghiệm. Do đó, nếu phần thi có câu hỏi thử nghiệm, thời gian làm bài có thể kéo dài thêm từ 1 đến 3 phút.
- Đối với các câu hỏi trắc nghiệm khách quan bốn lựa chọn: Thí sinh chọn một đáp án đúng duy nhất (A, B, C, D) cho mỗi câu hỏi.
- Đối với các câu hỏi điền đáp án: Thí sinh sẽ điền đáp án tìm được vào ô trống tương ứng của câu hỏi mà không cần điền đơn vị.
Đề thi HSA không sắp xếp câu hỏi theo thứ tự từ dễ đến khó mà được xáo trộn ngẫu nhiên. Để đạt kết quả tốt, thí sinh cần kiểm soát thời gian hiệu quả, biết cách phân phối thời gian cho việc đọc và hiểu đầu bài, cũng như đọc kỹ hướng dẫn trước khi chọn đáp án. Đối với mỗi phần thi, thí sinh nên chia tổng thời gian của phần đó cho số câu hỏi để xác định thời gian cần thiết cho mỗi câu. Nếu có thể, hãy tiết kiệm thời gian trên mỗi câu hỏi để có thể xem lại toàn bộ các phương án đã trả lời và làm lại các câu hỏi khó trước khi chuyển sang phần tiếp theo.
Thời gian làm bài của mỗi phần được thiết kế để thí sinh có thể hoàn thành tất cả các câu hỏi. Tuy nhiên, nếu gặp phải một câu hỏi quá khó, thí sinh nên chuyển sang câu hỏi tiếp theo và quay lại câu hỏi khó đó nếu còn thời gian. Lưu ý rằng, thí sinh chỉ có thể làm bài ở phần hiện tại và không thể quay lại các câu hỏi ở phần trước đó sau khi đã chuyển sang phần mới.
Trước khi bắt đầu mỗi phần thi, hãy đọc kỹ hướng dẫn trả lời; xem xét tất cả các đáp án và chọn đáp án phù hợp nhất với câu hỏi. Thí sinh có thể làm nháp và chọn đáp án mà mình cảm thấy đúng nhất từ các lựa chọn có sẵn. Nếu không tìm thấy đáp án phù hợp ngay, hãy đọc lại đề bài và xem xét lại các phương án trả lời. Đối với những câu hỏi dễ, hãy cố gắng hoàn thành nhanh để dành thời gian cho các câu hỏi khó hơn. Sau khi hoàn thành các câu hỏi dễ, hãy quay lại kiểm tra và giải quyết các câu hỏi khó trước khi chuyển sang phần tiếp theo.
Khi quay lại với câu hỏi khó, hãy sử dụng tư duy logic để loại trừ những đáp án không chính xác. So sánh các câu trả lời đã chọn với những câu còn lại và tìm hiểu điểm khác biệt giữa chúng. Sự khác biệt này có thể gợi ý cho bạn câu trả lời đúng. Cố gắng loại bỏ những đáp án sai càng nhiều càng tốt, sau đó chọn đáp án dựa trên mối liên hệ giữa đáp án và đầu bài.
Hy vọng thông qua bài viết này của Greenwich Việt Nam, các thí sinh sẽ chuẩn bị cho mình được những hành trang tốt nhất trên hành trình chinh phục ước mơ.