Kỳ thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) do các trường đại học lớn tại Việt Nam tổ chức trở thành xu hướng mới trong phương thức xét tuyển đại học và mang đến nhiều cơ hội cho thí sinh. Nếu bạn chuẩn bị tham gia kỳ thi nhưng chưa nắm rõ cách tính điểm đánh giá năng lực từng trường, hãy tham khảo bài viết dưới đây để có thêm những thông tin hữu ích nhé!
Cấu trúc đề thi ĐGNL Đại học quốc gia HN và ĐHQG TP.HCM
Đề thi đánh giá năng lực gồm nhiều môn học và các loại câu hỏi khác nhau nhằm đánh giá đa chiều, trực tiếp tư duy và suy luận logic của thí sinh. Tùy từng trường Đại học mà bài thi có thể bao gồm từ 6 – 8 môn học. Dưới đây là cấu trúc đề thi ĐGNL của ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP.HCM.
Cấu trúc đề thi ĐGNL ĐHQG TP.HCM
Đề thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM là sự kết hợp giữa kỹ năng đọc hiểu, phân tích dữ liệu bài thi SAT và kỹ năng tư duy, giải quyết vấn đề bài thi TSA. Từ đó có thể đánh giá năng lực của thí sinh dựa trên các phương tiện như: Sử dụng ngôn ngữ, Toán học, Tư duy Logic, Xử lý số liệu, Giải quyết vấn đề.
Đề thi ĐGNL ĐHQG TP.HCM đánh giá năng lực thí sinh một cách toàn diện
Đề thi ĐGNL của ĐHQG TP.HCM chỉ cung cấp số liệu, dữ liệu và công thức cơ bản nhằm kiểm tra tư duy, kỹ năng suy luận và giải quyết vấn đề của thí sinh dự thi một cách chính xác nhất. Với 120 câu hỏi dạng trắc nghiệm khách quan và tổng thời gian làm bài 150 phút, cấu trúc đề thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM như sau:
Phần 1: Sử dụng ngôn ngữ
Nội dung đánh giá | Số lượng câu hỏi | Thời gian | Số điểm | Nội dung |
Tiếng Việt | 20 | 50 phút | 400 điểm | Đánh giá khả năng sử dụng tiếng Việt, đọc hiểu văn bản, khả năng cảm nhận, phân tích tác phẩm văn học. |
Tiếng Anh | 20 | 50 phút | 400 điểm | Đánh giá khả năng sử dụng tiếng Anh thông qua nội dung từ vựng, cấu trúc ngữ pháp, đọc hiểu đoạn văn. |
Phần 2: Toán học – Tư duy logic – Phân tích số liệu
Nội dung đánh giá | Số lượng câu hỏi | Thời gian | Số điểm | Nội dung |
Toán học | 10 | 40 phút | 300 điểm | Đánh giá năng lực hiểu và áp dụng kiến thức toán đã được học trong chương trình THPT. |
Tư duy logic | 10 | 40 phút | 300 điểm | Đánh giá năng lực tư duy logic thông qua các câu hỏi có hình thức logic đơn lẻ và nhóm logic tình huống. |
Phân tích số liệu | 10 | 40 phút | 300 điểm | Đánh giá năng lực đọc, phân tích số liệu thông qua sơ đồ và bảng số liệu trong đề thi. |
Phần 3: Giải quyết vấn đề
Nội dung đánh giá | Số lượng câu hỏi | Thời gian | Số điểm | Nội dung |
Vấn đề lĩnh vực Hóa học | 10 | 60 phút | 500 điểm | Đánh giá kiến thức liên quan đến lĩnh vực khoa học tự nhiên bao gồm: Hóa học, Vật lý, Sinh học thông thông qua các câu hỏi đơn lẻ.Đánh giá kỹ năng suy luận logic, giải quyết vấn đề thông qua các câu hỏi tình huống. |
Vấn đề lĩnh vực Vật lý | 10 | 60 phút | 500 điểm | |
Vấn đề lĩnh vực Sinh học | 10 | 60 phút | 500 điểm | |
Vấn đề lĩnh vực Địa lý | 10 | 60 phút | 500 điểm | Đánh giá kiến thức liên quan đến lĩnh vực khoa học xã hội bao gồm: Địa lý, Lịch sử thông qua các câu hỏi đơn lẻ. Đánh giá kỹ năng suy luận logic, giải quyết vấn đề thông qua các câu hỏi tình huống. |
Cấu trúc đề thi ĐGNL ĐHQG Hà Nội
Đề thi đánh giá năng lực ĐHQG Hà Nội được xây dựng dựa trên cấu trúc bài thi SAT của Mỹ và TSA của Anh, tương tự đề thi ĐGNL Đại học quốc gia TP.HCM. Tuy nhiên cấu trúc 2 bài thi có phần khác nhau khi đề thi ĐHQG Hà Nội có số lượng câu hỏi là 150 và thời gian làm bài là 195 phút.
Cấu trúc đề thi ĐGNL ĐHQG Hà Nội yêu cầu thí sinh nắm vững kiến thức THPT
Hơn nữa, đề thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN không chỉ có dạng câu hỏi trắc nghiệm mà còn xuất hiện một số câu hỏi dạng điền đáp án đan xen. Điều này yêu cầu thí sinh phải nắm vững kiến thức nhiều môn khác nhau kết hợp kiến thức xã hội, thực tiễn. Từ đó đánh giá khách quan năng lực tư duy của thí sinh tích lũy trong quá trình học tập THPT.
Phần 1: Tư duy định lượng
Nội dung đánh giá | Số lượng câu hỏi | Điểm tối đa | Thời gian làm bài |
Toán học | 50 | 50 điểm | 75 phút |
Phần 2: Tư duy định tính
Nội dung đánh giá | Số lượng câu hỏi | Điểm tối đa | Thời gian làm bài |
Văn học – Ngôn ngữ | 50 | 50 điểm | 60 phút |
Phần 3: Khoa học Tự nhiên/Khoa học Xã hội
Nội dung đánh giá | Số lượng câu hỏi | Điểm tối đa | Thời gian làm bài |
Vật lý | 10 | 30 điểm | 60 phút |
Hóa học | 10 | 30 điểm | 60 phút |
Sinh học | 10 | 30 điểm | 60 phút |
Lịch sử | 10 | 20 điểm | 60 phút |
Địa lý | 10 | 20 điểm | 60 phút |
Cách tính điểm đánh giá năng lực chi tiết cho từng trường
Cấu trúc đề thi khác nhau từ đó dẫn đến cách tính điểm xét tuyển bài thi ĐGNL của từng trường Đại học khác nhau. Dưới đây là cách tính điểm đánh giá năng lực/tư duy của ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP.HCM và Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Cách tính điểm đánh giá năng lực trường ĐHQG Hà Nội
Bài thi đánh giá năng lực trường Đại học Quốc Gia Hà Nội có tổng điểm tối đa là 150 dựa trên tổng số câu trả lời chính xác của thí sinh dự thi. Thí sinh làm bài dự thi trực tiếp trên máy tính và nhận điểm ngay sau khi hoàn thành bài thi. Cụ thể từng phần thi bao gồm:
- Phần 1: Tư duy định lượng môn Toán học với 50 câu hỏi và thời gian làm bài 75 phút.
- Phần 2: Tư duy định tính môn Ngữ Văn – Ngôn ngữ với 50 câu hỏi và thời gian làm bài 60 phút.
- Phần 3: Khoa học tự nhiên/xã hội (thí sinh tùy chọn 1 trong 2) với 50 câu hỏi và thời gian làm bài 60 phút.
Lưu ý: Trong bài thi có thể xuất hiện 1 – 4 câu hỏi thử nghiệm được trộn vào một cách ngẫu nhiên và không tính điểm. Thời gian làm bài sẽ tăng thêm 2 – 4 phút nếu trong bài thi của bạn xuất hiện câu hỏi thử nghiệm.
Điểm bài thi ĐGNL được chấm tự động bởi phần mềm và kết quả sẽ hiển thị trên màn hình máy tính ngay sau khi kết thúc thời gian làm bài. Tổng điểm toàn bài thi là 150 điểm dựa trên tổng số câu trả lời chính xác của thí sinh.
Thí sinh nhận kết quả trên máy tính sau khi kết thúc thời gian làm bài
Trong đó, mỗi câu trả lời chính xác thí sinh được 1 điểm, câu trả lời sai/không có câu trả lời không tính điểm. Đặc biệt 1 – 4 câu hỏi thử nghiệm xuất hiện trong bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc Gia Hà Nội không xét điểm.
Điểm xét tuyển = Điểm thi phần Tư duy định lượng (Toán học) + Điểm thi phần Tư duy định tính (Ngữ văn + Ngôn ngữ) + Điểm thi phần Khoa học Tự nhiên/Xã hội.
Cách tính điểm đánh giá năng lực cho trường ĐHQG TPHCM
Bài thi Đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM có tổng điểm là 1200 với 120 câu hỏi. Tuy nhiên điều này không đồng nghĩa mỗi câu hỏi tương ứng với 10 điểm. Điểm số từng câu hỏi sẽ khác nhau dựa vào độ khó, độ tư duy, logic và tính phân hóa.
Đề thi đánh giá năng lực ĐHQG TP.HCM xuất hiện 120 câu hỏi và làm bài trong 150 phút
Kết quả bài thi ĐGNL cho trường ĐHQG TP.HCM được xác định bởi phương pháp trắc nghiệm hiện đại dựa theo lý thuyết tương ứng đáp câu hỏi (IRT – Item Response Theory). Thí sinh làm bài trên giấy dưới dạng câu hỏi trắc nghiệm trong 150 phút, cụ thể từng phần thi lần lượt là:
- Phần 1 – Sử dụng ngôn ngữ: 40 câu hỏi và thang điểm tối đa 400 điểm.
- Phần 2 – Toán học – Tư duy logic – Phân tích số liệu: 30 câu hỏi và thang điểm tối đa 300 điểm.
- Phần 3 – Giải quyết vấn đề: 50 câu hỏi và thang điểm tối đa 500 điểm.
Điểm xét tuyển = Điểm Sử dụng ngôn ngữ + Điểm Toán học, tư duy logic, phân tích số liệu + Điểm Giải quyết vấn đề + Điểm ưu tiên (nếu có).
Cách tính điểm ĐGTD trường ĐH Bách Khoa HN
Bài thi Đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa HN đã có nhiều thay đổi trong cách tổ chức, nội dung kỳ thi theo hướng đơn giản, gọn nhẹ nhưng vẫn đảm bảo tính phân hóa năng lực thí sinh. Từ năm 2023, bài thi ĐGTD của Đại học Bách Khoa HN không còn phần thi tự chọn thay vào đó sẽ là 3 phần thi bắt buộc và làm bài trong 150 phút.
Cách tính điểm ĐGTD trường ĐH Bách Khoa HN đã có sự thay đổi từ năm 2023
- Phần 1: Tư duy định lượng môn Toán học với điểm tối đa là 40 và thời gian làm bài 60 phút.
- Phần 2: Tư duy đọc hiểu với số điểm tối đa là 20 và thời gian làm bài 30 phút.
- Phần 3: Tư duy khoa học/Giải quyết vấn đề với số điểm tối đa là 40 và thời gian làm bài 60 phút
Điểm xét tuyển = Điểm Tư duy định lượng + Điểm Tư duy đọc hiểu + Điểm Tư duy khoa học/Giải quyết vấn đề.
Hướng dẫn cách quy đổi điểm ĐGNL
Quy đổi điểm với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh ở mỗi vùng miền có thể tiếp cận kỳ thi dễ dàng, thuận tiện và việc xét tuyển của từng trường Đại học trên toàn quốc trở nên đơn giản hơn. Cụ thể cách quy đổi điểm ĐGNL như sau:
Quy đổi điểm ĐGNL của hai trường ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TPHCM
Từ năm 2023, điểm bài thi Đánh giá năng lực của hai trường Đại học Quốc gia HN và Đại học Quốc gia HCM có thể quy đổi cho nhau theo công thức chuyển đổi sau:
HSA = 0,1103 x APT
Trong đó, HSA là điểm thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội, APT là điểm thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM và 0,1103 là hệ số chuyển đổi. Công thức quy đổi trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh ở mỗi vùng miền có thể tiếp cận kỳ thi một cách dễ dàng, thuận tiện.
Quy đổi điểm giúp thí sinh có cơ hội tuyển sinh vào các trường Đại học trên toàn quốc
Quy đổi điểm ĐGNL theo hệ số 30
Hiện nay nhiều trường Đại học xét tuyển điểm thi đánh giá năng lực theo hệ số 30. Dưới đây là cách quy đổi điểm thi ĐGNL của 2 trường ĐHQGHN và ĐHQG TP.HCM:
- Bài thi HSA: Điểm quy đổi = Điểm thi đánh giá năng lực x 30/150.
- Bài thi APT: Điểm quy đổi = Điểm thi đánh giá năng lực x 30/1200.
ĐHQG TP.HCM quy đổi điểm ĐGNL theo hệ số 30 nhằm tạo điều kiện cho thí sinh có cơ hội đỗ vào các trường Đại học trên toàn quốc
Kỳ thi đánh giá năng lực không chỉ kiểm tra kiến thức học tập, khả năng giải quyết vấn đề, tư duy, lập luận logic mà còn mang đến cơ hội giúp thí sinh đỗ vào trường Đại học bản thân mong muốn. Hy vọng bạn đã hiểu cấu trúc và cách tính điểm đánh giá năng lực trên và tự tin ôn tập để đạt kết quả cao nhất.